Nhu cầu về giấc ngủ của phụ nữ và nam giới có khác nhau không?
Nhìn chung, phụ nữ và nam giới có nhu cầu ngủ hàng đêm như nhau. Người lớn thuộc mọi giới tính nên ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên và trẻ nhỏ cần ngủ nhiều hơn.
Phụ nữ và đàn ông có ngủ ngon như nhau không?
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, trung bình, phụ nữ ở Hoa Kỳ ngủ được nhiều hơn mỗi ngày khi tính cả giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ ngắn ban ngày. Trong một nghiên cứu lớn, sự khác biệt về thời gian trung bình phụ thuộc vào độ tuổi và dao động từ 5 đến 28 phút.
Tuy nhiên, phụ nữ trải qua giấc ngủ bị phân mảnh nhiều hơn và chất lượng giấc ngủ thấp hơn. Một số nhà nghiên cứu tin rằng nhiều phụ nữ đã tăng số lượng giấc ngủ như một nỗ lực để bù đắp cho chất lượng giấc ngủ bị giảm sút.
Điều quan trọng cần nhớ là giấc ngủ có thể thay đổi đáng kể giữa người này với người khác và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Tại sao giấc ngủ của đàn ông và phụ nữ lại khác nhau?
Có cả các yếu tố giới tính (gender) và tính dục (sex) ảnh hưởng đến cách thức và lý do tại sao đàn ông và phụ nữ ngủ khác nhau.
Các yếu tố dựa trên tính dục liên quan đến sinh học cơ bản bao gồm sự sản xuất hormone, chu kỳ giấc ngủ và nhịp sinh học. Các yếu tố dựa trên giới tính có liên quan đến sự khác biệt về xã hội và văn hóa. Những yếu tố này có thể chồng chéo và đa diện, tạo ra một tập hợp các tình huống phức tạp ảnh hưởng đến từng cá nhân nam và nữ theo những cách riêng.
Sự khác biệt về giấc ngủ dựa trên tính dục thường bắt đầu ở tuổi dậy thì đối với những người có kinh nguyệt, vì bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến những thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất hormone. Các yếu tố dựa trên tính dục phát triển theo thời gian đối với nam và nữ do những thay đổi sinh học cùng với quá trình lão hóa.
Bởi vì các yếu tố dựa trên giới tính phản ánh các khuôn mẫu và chuẩn mực văn hóa và xã hội rộng lớn, chúng có thể bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn. Giống như các yếu tố dựa trên tính dục, chúng có thể thay đổi theo thời gian, gây ra những ảnh hưởng to lớn đến giấc ngủ.
Nghiên cứu trực tiếp về giấc ngủ có thể khác nhau như thế nào đối với người chuyển giới và người không song tính còn hạn chế.
Chu kỳ giấc ngủ
Trong một đêm ngủ trung bình, việc trải qua ba đến năm chu kỳ giấc ngủ là điều bình thường. Các chu kỳ này thường kéo dài từ 90 đến 120 phút và được tạo thành từ các giai đoạn ngủ riêng biệt. Có bốn giai đoạn ngủ, bao gồm các giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM).
Ba giai đoạn đầu tiên là NREM và giai đoạn cuối cùng là REM. Hai giai đoạn NREM đầu tiên là giấc ngủ nhẹ hơn trong khi giai đoạn 3, được gọi là giấc ngủ sâu, liên quan đến việc thở chậm lại đáng kể cũng như hoạt động của não và cơ. Giấc ngủ REM ở giai đoạn 4 được đánh dấu bằng hoạt động của não tăng cao và giấc mơ sống động hơn.
Mỗi giai đoạn của giấc ngủ góp phần vào khả năng phục hồi của giấc ngủ và cách một người di chuyển qua các chu kỳ giấc ngủ được gọi là cấu trúc giấc ngủ.
Một số bằng chứng chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ có thể có sự khác biệt về cấu trúc giấc ngủ, bắt đầu từ độ tuổi từ 30 đến 40. Một nghiên cứu cho thấy đàn ông ở độ tuổi 30 dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn ngủ nông và ít thời gian hơn cho giai đoạn ngủ sâu và giấc ngủ REM.
Nhịp sinh học
Mặc dù sự khác biệt về nhịp sinh học giữa nam và nữ tương đối nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng giấc ngủ của họ.
Nhịp sinh học được kiểm soát bởi đồng hồ bên trong 24 giờ của cơ thể. Đồng hồ này giúp điều chỉnh tất cả các loại hệ thống và quy trình của cơ thể, bao gồm cả giấc ngủ, bằng cách điều phối chức năng của chúng vào những thời điểm cụ thể trong ngày.
Nhịp sinh học lành mạnh thúc đẩy thói quen ngủ ổn định, giúp một người cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và buồn ngủ vào ban đêm. Khi lịch ngủ thực tế của một người không đồng bộ với nhịp sinh học của họ, điều đó có thể gây gián đoạn giấc ngủ, buồn ngủ ban ngày và các vấn đề sức khỏe khác.
Các nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt về nhịp sinh học giữa nam và nữ. Trong khi hầu hết các nhịp sinh học không kéo dài chính xác 24 giờ, thì đồng hồ bên trong của phụ nữ thường ngắn hơn vài phút. Phụ nữ thường có thời gian sinh học sớm hơn, nghĩa là có xu hướng đi ngủ và thức dậy sớm hơn.
Nội tiết tố
Nội tiết tố là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt về giấc ngủ giữa nam và nữ. Sự thay đổi sản xuất hormone trong các thời điểm khác nhau có thể tạo ra các vấn đề đáng kể về giấc ngủ cho phụ nữ và những người được xem là nữ khi chào đời.
- Kinh nguyệt: Bắt đầu từ tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng liên quan đến những thay đổi lớn trong việc sản xuất hormone, cụ thể là estrogen và progesterone. Sự sụt giảm nồng độ của các kích thích tố này trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt của một người có thể gây ra những ảnh hưởng về thể chất và cảm xúc, bao gồm cả giấc ngủ bị gián đoạn. Khi những tác động này gây rối loạn nghiêm trọng, một người có thể được chẩn đoán mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD).
- Mang thai: Khi một phụ nữ mang thai, họ trải qua những thay đổi rõ rệt về nội tiết tố thường gây cản trở giấc ngủ. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ và cấu trúc giấc ngủ. Sự thay đổi nội tiết tố bắt đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhưng nhiều phụ nữ mang thai cho biết họ ngủ kém hơn trong tam cá nguyệt thứ ba. Nhìn chung, hơn một nửa số bà bầu được cho là bị mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ có thể kéo dài trong thời kỳ hậu sản.
- Thời kỳ mãn kinh: Thời kỳ mãn kinh xảy ra khi một người có kinh nguyệt ngừng có kinh vĩnh viễn và kéo theo những thay đổi cơ bản trong quá trình sản xuất hormone. Những thay đổi đó thực sự bắt đầu một vài năm trước khi mãn kinh trong giai đoạn chuyển tiếp được gọi là tiền mãn kinh. Các vấn đề về giấc ngủ rất phổ biến trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố đối với nhịp sinh học cũng như các cơn bốc hỏa khó chịu và đổ mồ hôi ban đêm.
- Sự thay đổi nội tiết tố do tuổi tác cũng ảnh hưởng đến nam giới và có thể tác động đến giấc ngủ của họ. Ở những người đàn ông lớn tuổi, việc sản xuất hormone tăng trưởng giảm trong khi mức độ cortisol, một loại hormone liên quan đến căng thẳng, có xu hướng tăng lên. Sự thay đổi mức độ của các hormone này có thể xảy ra do giấc ngủ kém, nhưng chúng cũng có thể góp phần làm tăng sự thức giấc và giảm chất lượng giấc ngủ.
- Lão hóa ở nam giới có thể liên quan đến việc giảm nồng độ testosterone. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng testosterone thấp hơn có liên quan đến giấc ngủ tồi tệ hơn và các vấn đề nghiêm trọng hơn với hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một hội chứng rối loạn hô hấp. Bằng chứng cho thấy có một mối quan hệ phức tạp giữa béo phì, giấc ngủ và nội tiết tố nam, nhưng cần nghiên cứu thêm để làm rõ mối liên hệ giữa testosterone và giấc ngủ.
Các vấn đề sức khỏe khác
Giấc ngủ có thể bị gián đoạn do các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, nhiều vấn đề trong số đó ảnh hưởng lên nam giới và nữ giới khác nhau.
Đàn ông có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề về bệnh phổi mạn tính cao hơn, cả hai đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Uống quá nhiều rượu phổ biến hơn ở nam giới và có thể cản trở cấu trúc giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng lo âu, một tình trạng sức khỏe tâm thần thường góp phần gây khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị ợ nóng và trào ngược axit, điều này có thể làm cho giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.
Chuẩn mực xã hội và văn hóa
Những ảnh hưởng dựa trên giới tính đối với giấc ngủ gắn bó chặt chẽ với các chuẩn mực xã hội và văn hóa có tác động không bình đẳng đối với phụ nữ và nam giới. Bởi vì những chuẩn mực này rất phức tạp nên chúng có thể liên quan đến giấc ngủ theo nhiều cách không giống nhau đối với tất cả các cá nhân.
Công việc chăm sóc là một ví dụ điển hình về yếu tố giới tính ảnh hưởng đến giấc ngủ. Phụ nữ thường đóng vai trò là người chăm sóc không chính thức cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ hoặc thành viên gia đình bị bệnh. Những người chăm sóc bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn cũng như căng thẳng tăng cao có thể làm giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.
Chuẩn mực giới đóng một vai trò trong cơ hội việc làm, lịch làm việc và phân chia nghĩa vụ gia đình. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những chuẩn mực này gây thêm căng thẳng cho phụ nữ, ảnh hưởng đến thói quen ngủ và vệ sinh giấc ngủ của họ. Dĩ nhiên, những chuẩn mực này cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới.
Rối loạn giấc ngủ nào phổ biến hơn theo giới tính?
Nhiều chứng rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên (RLS), ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới ở các mức độ khác nhau.
Phụ nữ có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc chứng mất ngủ hơn nam giới. Tổng cộng, nguy cơ mất ngủ trong đời của họ cao hơn 40%. Tỷ lệ mất ngủ cao hơn ở phụ nữ được cho là có liên quan đến cả yếu tố giới tính và tính dục.
Ngoài khả năng bị mất ngủ cao hơn, phụ nữ thường mắc chứng mất ngủ phức tạp hơn bao gồm nhiều triệu chứng trong khi nam giới thường chỉ có một triệu chứng mất ngủ.
Hội chứng chân không yên (RLS), liên quan đến cảm giác thôi thúc mạnh mẽ cử động tay chân, là một chứng rối loạn giấc ngủ khác phổ biến hơn ở phụ nữ. Nó thường gặp trong thời kỳ mang thai, điều này có thể giải thích tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng ở phụ nữ, nhưng cũng có những nguyên nhân tiềm ẩn khác của RLS.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một tình trạng nguy hiểm liên quan đến hô hấp trong khi ngủ, phổ biến hơn ở nam giới. OSA ước tính ảnh hưởng đến 15% đến 30% nam giới và 10% đến 15% phụ nữ. OSA gây ra sự gián đoạn giấc ngủ liên tục và có liên quan đến các vấn đề về tim, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.
Một phần của sự khác biệt về tỷ lệ mắc OSA ở nam và nữ được cho là có liên quan đến cách bác sĩ chẩn đoán tình trạng này. Các triệu chứng của phụ nữ thường được giải thích khác nhau, dẫn đến ít trường hợp được giới thiệu đến các phòng khám chuyên khoa về giấc ngủ nơi OSA có khả năng được chẩn đoán cao hơn.
Giấc ngủ kém có ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới khác nhau không?
Thiếu ngủ gây tổn hại về thể chất và tinh thần. Hậu quả của việc ngủ không đủ giấc đối với nam giới và nữ giới là tương tự nhau và chỉ phản ánh những khác biệt nhỏ. Mọi người thuộc mọi giới tính đều có thể chịu những tác động tiêu cực nghiêm trọng nếu nhịp sinh học của họ không đồng bộ với ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, sự khác biệt về thời gian sinh học có thể khiến một số người dễ bị ảnh hưởng bởi jet-lag hoặc làm việc theo ca. Ví dụ, các nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ tai nạn tại nơi làm việc cao ở những phụ nữ làm việc ca đêm trong thời gian dài.
Các cặp đôi có ngủ khác nhau không?
Các nghiên cứu về giấc ngủ thường tập trung vào các cá nhân, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người trưởng thành ngủ cùng với bạn đời. Cho dù đối tác của họ là nam hay nữ, cách sắp xếp giấc ngủ này có thể ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi hàng đêm.
Khi giấc ngủ được phân tích một cách khách quan, các nghiên cứu thường phát hiện ra rằng mọi người ngủ một mình tốt hơn so với ngủ cùng bạn đời. Nhưng khi được khảo sát, hầu hết mọi người đều nói rằng giấc ngủ của họ là tốt hơn khi họ ở cạnh người bạn đời của mình. Đối với các cặp đôi dị tính hoặc đồng giới, việc ngủ chung giường với bạn đời có thể mang lại cảm giác bình tĩnh và an toàn, có lợi cho giấc ngủ.
Tất nhiên, không phải tất cả các mối quan hệ đều thúc đẩy giấc ngủ chất lượng. Đối với các cặp vợ chồng, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các đặc điểm mối quan hệ tích cực có liên quan đến giấc ngủ ngon hơn và các vấn đề tiêu cực có liên quan đến giấc ngủ kém hơn. Ở những người lớn tuổi thường phải đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ do lão hóa, các cuộc hôn nhân có sự hỗ trợ lẫn nhau cao dường như giúp cải thiện giấc ngủ của cả hai đối tác.
Ngủ chung giường có thể gây khó khăn cho giấc ngủ đối với nam và nữ. Đàn ông có nhiều khả năng ngáy hơn, vì vậy người bạn đời trên giường của họ có thể dễ bị gián đoạn giấc ngủ hơn. Sự khác biệt về nhịp sinh học và lịch ngủ giữa cặp đôi trên giường có thể làm gián đoạn thêm giấc ngủ. Tác động của những yếu tố này có thể thay đổi rõ rệt đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào dựa trên hoàn cảnh cụ thể của họ.
Theo SleepFoundation.org