Kiến thức phổ thông

Các triệu chứng của mất ngủ

Theo nhiều nghiên cứu, từ 10% đến 30% người trưởng thành gặp phải các triệu chứng mất ngủ. Rối loạn giấc ngủ này được đặc trưng bởi việc khó đi vào giấc ngủ hay duy trì giấc ngủ hằng đêm. Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng mất ngủ biểu hiện khác nhau ở mỗi người và phần lớn phụ thuộc vào việc chứng mất ngủ này là tình trạng mạn tính hay ngắn hạn.

Triệu chứng mất ngủ mạn tính

Để được chẩn đoán mất ngủ mạn tính, bệnh nhân phải có các triệu chứng ít nhất ba lần mỗi tuần trong ít nhất ba tháng. Việc chẩn đoán chứng mất ngủ mạn tính còn dựa trên hai yếu tố khác: vẫn có mất ngủ mặc dù có cơ hội để ngủ và có hậu quả suy giảm khả năng hoạt động vào ban ngày.

Mất ngủ có hai loại là khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ. Trong một số trường hợp, những người mắc chứng mất ngủ gặp khó khăn cả về việc bắt đầu giấc ngủ và duy trì giấc ngủ. Các vấn đề về khó đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ đã được ghi nhận ở tất cả các nhóm tuổi. Khoảng thời gian tiềm thời giấc ngủ (khoảng thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ) hoặc tỉnh giấc trong đêm có thể cấu thành chứng mất ngủ mạn tính nếu chúng kéo dài hơn 20 phút đối với trẻ em và thanh niên hoặc 30 phút đối với người lớn.

Những người bị mất ngủ mạn tính cũng có thể thường xuyên thức dậy sớm hơn mong muốn. Nhiều bệnh nhân – đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi cần sự giám sát của người chăm sóc – cũng không hưởng ứng ý tưởng tuân theo một lịch trình ngủ lành mạnh. Ngoài ra, những người bị mất ngủ thường gặp một hoặc nhiều tình trạng suy giảm sau đây trong ngày sau một cơn mất ngủ ảnh hưởng đến giấc ngủ:

  • Mệt mỏi và khó chịu
  • Khó tập trung, chú ý hoặc ghi nhớ
  • Suy giảm hiệu suất giao tiếp xã hội, nghề nghiệp và học tập
  • Khó chịu và rối loạn tâm trạng
  • Ngủ ngày quá nhiều
  • Tăng động, hung hăng và các vấn đề hành vi khác
  • Tăng nguy cơ sai sót và tai nạn

Triệu chứng mất ngủ ngắn hạn 

Các triệu chứng và tiêu chuẩn chẩn đoán chứng mất ngủ ngắn hạn tương tự với mất ngủ mạn tính, nhưng có một điểm khác biệt chính: bệnh nhân đã trải qua các vấn đề về bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ ít hơn ba đêm mỗi tuần và/hoặc ít hơn ba tháng.

Việc phân biệt chứng mất ngủ ngắn hạn với các rối loạn đặc trưng bởi sự mất cân bằng nhịp sinh học tạm thời và các vấn đề về giấc ngủ liên quan do các yếu tố môi trường cũng quan trọng không kém. Các ví dụ bao gồm chứng rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca ảnh hưởng phần lớn đến những người làm việc vào ban đêm và hội chứng thay đổi múi giờ ảnh hưởng đến du khách quốc tế. Những rối loạn này thường liên quan đến khó vào giấc và khó duy trì giấc ngủ, nhưng mất ngủ là một triệu chứng hơn là một nguyên nhân tiềm ẩn. Chứng mất ngủ ngắn hạn xảy ra dù không có sự mất cân bằng nhịp sinh học.

Nhiều người bị mất ngủ ngắn hạn sẽ thấy các triệu chứng của họ giảm dần, đặc biệt nếu chứng mất ngủ của họ xảy ra cùng với một sự kiện đau buồn hoặc tình trạng tạm thời. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết, chứng mất ngủ ngắn hạn có thể phát triển thành một tình trạng mạn tính cần phải can thiệp nhiều hơn.

Các biến chứng của mất ngủ

Mất ngủ mạn tính có thể gây tổn hại lớn đến sức khoẻ và tổng trạng của một người. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc một số những bệnh cũng như khiến các bệnh tình trước đó trở nên trầm trọng, chẳng hạn như:

  • Hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác
  • Các vấn đề về tim mạch như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh tim và suy tim
  • Lo âu, trầm cảm và có ý định tự tử
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Đau mạn tính
  • Các biến chứng khi mang thai, bao gồm đau tăng lên khi chuyển dạ, sinh non và trẻ bị thiếu cân
  • Viêm nhiễm và các vấn đề khác của hệ thống miễn dịch khiến việc ngăn chặn vi trùng và nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn
  • Các rối loạn trao đổi chất ảnh hưởng đến việc giải phóng nội tiết tố nhằm điều chỉnh sự thèm ăn và tiêu hóa, từ đó có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác

Khi nào thì cần gặp bác sĩ vì mất ngủ

Về cơ bản, bạn nên tham khảo ý kiến với bác sĩ của bạn hoặc một bác sĩ có chuyên môn khác nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng, hiệu suất làm việc và những khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày. Ngay cả khi bạn chưa từng trải qua triệu chứng ba lần trong một tuần hoặc trong ít nhất ba tháng, bạn đã đủ tiêu chuẩn để được chẩn đoán bị mất ngủ ngắn hạn.

Nhật ký giấc ngủ có thể đóng vai trò như một nguồn thông tin hữu ích cho bác sĩ của bạn. Trong vòng vài tuần trước cuộc hẹn khám, hãy ghi chép về thời gian ngủ và thức giấc, các kiểu trễ giấc, các giai đoạn thức giấc, và các yếu tố khác liên quan tới chu kỳ giấc ngủ hàng đêm. Bạn cũng nên ghi lại cảm giác của mình trong ngày, tần suất tập thể dục và lượng caffeine hay lượng cồn bạn tiêu thụ.

Bước đầu tiên của chẩn đoán chứng mất ngủ thường bao gồm kiểm tra y tế và điền bảng khảo sát. Những bước này giúp bác sĩ xác định được mất ngủ này là một tình trạng riêng biệt hay triệu chứng của một bệnh nền khác. Bác sĩ cũng có thể dùng kết quả kiểm tra đó để loại trừ các chứng rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Khi các xét nghiệm ban đầu này đã được hoàn thành, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều hơn trong số ba xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm về giấc ngủ: Một số xét nghiệm về giấc ngủ theo dõi thời gian tiềm thời của giấc ngủ, tình trạng tỉnh táo và các dữ liệu khác trong suốt một đêm. Bạn có thể hoàn thành các xét nghiệm này tại trung tâm y học giấc ngủ hoặc ở nhà, tùy thuộc vào khuyến nghị của bác sĩ. Các xét nghiệm khác bao gồm nhiều bài kiểm tra thời gian tiềm thời của giấc ngủ, được tiến hành bằng một loạt giấc ngủ ngắn và duy trì các bài kiểm tra mức độ tỉnh táo vào ban ngày để đo lường cảm nhận và hiệu suất trong ngày của bạn.
  • Hoạt ký đồ: Loại xét nghiệm giám sát này đánh giá chất lượng giấc ngủ của bạn hàng đêm. Bạn sẽ cần đeo một bộ cảm biến cơ thể nhỏ trong thời gian từ 3 đến 14 ngày.
  • Xét nghiệm máu: Như một xét nghiệm bổ sung để đảm bảo chứng mất ngủ của bạn không do một nguyên nhân tiềm ẩn khác, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm này để kiểm tra các vấn đề về tuyến giáp và các vấn đề khác góp phần gây mất ngủ.

Phương pháp điều trị mất ngủ phụ thuộc vào chẩn đoán cụ thể. Đối với mất ngủ mạn tính, bạn có thể trải qua sáu đến tám tuần điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) để giúp bạn ngủ nhanh hơn và giấc ngủ không bị gián đoạn vào ban đêm. Liệu pháp này có thể được tiến hành trực tuyến, qua điện thoại hoặc trực tiếp với bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên. Thuốc benzodiazepin và các loại thuốc ngủ khác cũng có thể được kê đơn. Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc không kê đơn như melatonin hoặc antihistamine với các thành phần hỗ trợ giấc ngủ.

Đối với một số người bị mất ngủ ngắn hạn hoặc mạn tính, cải thiện vệ sinh giấc ngủ có thể làm giảm các triệu chứng một cách đáng kể. Các bước vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm duy trì một môi trường phòng ngủ lành mạnh có lợi cho giấc ngủ, đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm (kể cả cuối tuần), tránh chợp mắt vào ban ngày và kiêng caffein, đồ uống có cồn và thuốc lá trước khi đi ngủ.

Theo SleepFoundation.org
106 views
admin
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông tin này có thể được công khai.