Kiến thức phổ thông

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ – Kẻ giết người thầm lặng, những điều bạn cần biết!

Giới thiệu

Chắc hẳn hầu hết chúng ta đã từng trải qua cảm giác mệt mỏi sau một đêm mất ngủ vì lo lắng, tiếng ồn hay suy nghĩ căng thẳng. Tuy nhiên điều gì đã xảy ra khi chúng ta ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng? Thật vậy, ở những người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA: Obstructive sleep apnea) biểu hiện bằng các giai đoạn ngừng thở trong thời gian ngắn (thường không được nhận thấy) khi đang ngủ, khiến cho cơ thể không nhận đủ oxy và cảm thấy rất buồn ngủ vào ban ngày. Về lâu dài, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ làm tăng nguy cơ tim mạch và tử vong, đồng thởi ảnh hướng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và người ngủ cùng.

Biểu hiện thường gặp của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Đặc điểm của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (NTTNKN) là các giai đoạn thở nông (giảm thở) hay ngừng thở kéo dài hơn 10 giây trong quá trình ngủ, và người bệnh mắc NTTNKN thường ngáy rất to khi ngủ. Ngoài ra, các biểu hiện sau thường gặp ở người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ như:

  • Ngáy to
  • Cảm thấy mệt mỏi cả ngày
  • Buồn ngủ quá mức ban ngày
  • Khả năng tập trung kém
  • Tiểu đêm thường xuyên
  • Thức giấc nửa đêm và cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh
  • Khô miệng vào buổi sáng khi thức dậy
  • Nhức đầu buổi sáng khi thức dậy
  • Rối loạn cương dương

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ mắc ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp trên bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn khi ngủ, quá trình này khiến cho cơ thể không được cung cấp và nhập đủ oxy (Hình 1). Khi nhận thấy cơ thể không nhận đủ oxy, não sẽ phát tín hiệu và đánh thức người bệnh trọng thời gian ngắn (vi thức giấc) nhưng người bệnh thường không nhận thức được giai đoạn thức giấc này. Quá trình này lặp đi lặp lại làm gián đoạn giấc ngủ tự nhiên của người bệnh, khiến người bệnh không đi vào được giấc ngủ sâu, ảnh hưởng lên tim mạch và tăng nguy cơ tử vong.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ NTTNKN thường gặp là:

  • Dư cân, béo phì
  • Bất thường cấu trúc mặt (thụt hàm, lưỡi lớn, phì đại Amidam,…)
  • Nghiện rượu
  • Sử dụng thuốc an thần quá mức
  • Lớn tuổi

Hình 1: Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Ảnh hưởng của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ đến chất lượng cuộc sống

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngủ không ngon giấc có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và không có năng lượng để làm việc trong cả ngày. Đôi khi người bệnh có thể rơi vào giấc ngủ ngắn một các vô thức vào ban ngày khi đang làm việc, khi ngồi hay trong các không gian yên tĩnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra đối với các tài xế lái xe hoặc khi người bệnh đang lái xe tham gia giao thông. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ không tố thường gây các vấn đề về giảm khả năng tập trung và trí nhớ kém. Ngủ không đủ giấc và vi thức giấc do ngưng – giảm thở khi ngủ cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và khiến người bệnh dễ bị trầm cảm hơn.

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh mà còn ảnh hưởng tới người ngủ cùng người bệnh và quan hệ giữa hai người. Người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường ngáy rất to khiến người ngủ cùng có thể cảm thấy khó chịu, thức giấc ban đêm, không ngủ được và từ đó người ngủ cùng sẽ cảm thấy mệt mỏi và dễ nóng tính vào ban ngày. Đôi khi việc người ngủ cùng quan sát thấy người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ biểu hiện ngừng thở có thể khiến họ hoảng sợ và lo lắng.

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác. Vì vậy, người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ hoặc rối loạn nhịp tim.

Chẩn đoán và điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Khi bạn có các dấu hiệu hay yếu tố nguy cơ mắc ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ nói chung và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ nói riêng. Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn về các dấu hiệu nghi ngờ, các bảng câu hỏi tầm soát và thói quen sinh hoạt, sau đó là thăm khám tổng quát và đánh giá mức độ hẹp đường hô hấp trên. Cuối cùng, tùy theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa, bạn sẽ được cung cấp một thiết bị theo dõi giấc ngủ tại nhà để ghi lại các thông số khi ngủ như: nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy máu, ngáy và tư thế ngủ hoặc bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm đánh giá chất lượng giấc ngủ tại phòng thăm dò giấc ngủ chuyên biệt.

Sau khi được xác định chẩn đoán, phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với NTTNKN mức độ trung bình – nặng là phương pháp thở máy áp lực dương (PAP: Positive Airway Pressure) (Hình 2). Đối với phương pháp điều trị thở máy áp lực dương, một áp lực được tạo từ máy thở thông qua một mặt nạ được người bệnh đeo khi ngủ, áp lực này sẽ hỗ trợ cho đường hô hấp trên luôn được mở trong lúc ngủ. Những người bệnh NTTNKN điều trị với phương pháp thở máy áp lực dương có thời gian ngưng thở ít hơn hoặc thậm chí không còn ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Điều này cải thiện đáng kể các dấu hiệu và biểu hiện của người bệnh như ngáy, buồn ngủ quá mức ban ngày hay mệt mỏi cả ngày. Tuy nhiên, phương pháp thở máy áp lực dương thường khó để người bệnh làm quen và ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt ban đêm của người bệnh. Các chương trình giáo dục – tuyên triền về phương pháp điều trị áp lực dương có thể giúp bạn hiểu rõ hơn hiệu quả và lợi ích của phương pháp này. Ngoài ra, người bệnh có thể tham gia các nhóm hỗ trợ và trò chuyện với những người bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ để chia sẻ và nâng cao tuân thủ điều trị. Điều quan trọng nhất là hãy kiên nhẫn và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ cần thiết nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào. Nếu bạn có thể khiến phương pháp điều trị áp lực dương thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mình, phương pháp này thực sự cso thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn rất nhiều.

Hình 2: Thở máy áp lực dương điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Tài liệu tham khảo

  1. Semelka, M., Wilson, J., & Floyd, R. (2016). Diagnosis and treatment of obstructive sleep apnea in adults. American family physician, 94(5), 355-360.
  2. Thomasouli, M. A., Brady, E. M., Davies, M. J., Hall, A., Khunti, K., Morris, D. H., & Gray, L. J. (2013). The impact of diet and lifestyle management strategies for obstructive sleep apnoea in adults: a systematic review and meta-analysis of randomised controlled trials. Sleep and Breathing, 17(3), 925-935.
  3. Greenstone M, Hack M. Obstructive sleep apnoea. BMJ 2014; 348: g3745
105 views
admin
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông tin này có thể được công khai.