Lưu trú trong khách sạn có thể rất thoải mái mà cũng có thể gây stress. Mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau tùy vào địa điểm của khách sạn, các tiện ích và dịch vụ hay lý do của việc ở khách sạn. Tuy nhiên dù cho lý do của việc này là bạn đi công tác một mình, hay thay đổi không khí lãng mạn với bạn đời, hay đi cùng gia đình trong một kỳ nghỉ, có lẽ một trong những việc quan trọng bạn sẽ làm ở khách sạn là ngủ. Vì vậy, môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái và tối là lý tưởng nhất.
Ngay cả ở nơi thoải mái nhất, một số người vẫn bị trằn trọc khi ngủ. Các nhà nghiên cứu đã quan sát các vấn đề về giấc ngủ xảy ra ở những người có đêm đầu tiên thích nghi với môi trường mới, hiện tượng gọi là hiệu ứng đêm đầu tiên (FNE – First Night Effect). Hiệu ứng FNE đặc trưng bởi khó vào giấc ngủ, cũng như có tổng thời gian ngủ và thời gian REM ngắn hơn (REM: giai đoạn xảy ra các giấc mơ).
FNE có thể là kết quả của việc cơ thể cố gắng giữ chúng ta an toàn. Các nghiên cứu cho thấy khi người ta ngủ ở nơi lạ sẽ làm tăng hoạt động của bán cầu não trái, khu vực thường sẽ chìm sâu khi đi vào giấc ngủ. Thay vì cho phép cơ thể đi ngủ, phần não này sẽ duy trì sự cảnh giác và cảnh báo với các dấu hiệu của sự nguy hiểm. Đáp ứng này có thể được kích hoạt như là cơ chế bảo vệ vì tăng cảnh giác sẽ cho phép chúng ta thức giấc nhanh hơn để phản ứng với một tiếng động bất thường.
Có dễ ngủ hơn sau đêm đầu tiên không?
Với một số người, hiệu ứng đêm đầu tiên có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ ngay khi họ đến nơi. Tuy nhiên hiệu ứng của đêm đầu tiên phản ánh như tên gọi của nó – nghiên cứu cho thấy giấc ngủ bị trì hoãn trong đêm đầu tiên ở môi trường mới sẽ được cải thiện trong những đêm sau. Vì vậy, nếu bạn bị khó ngủ trong đêm đầu trong kỳ nghỉ hay chuyến công tác, nhiều khả năng là đêm thứ hai sẽ cải thiện hơn.
Có một số người ngủ ngon hơn trong khách sạn?
Ngược lại với ở trên, một số người lại có hiệu ứng đối nghịch và thấy dễ ngủ hơn khi ngủ ở một nơi xa nhà. Tại sao thay vì nhiều người trằn trọc để thích nghi với môi trường mới thì những người khác lại thấy dễ ngủ hơn? Các nghiên cứu đề xuất nhiều yếu tố tác động lên việc các thói quen ngủ thay đổi của một người sẽ đáp ứng khác nhau khi ngủ xa nhà.
Một nghiên cứu khảo sát các nhóm người báo cáo về các triệu chứng mất ngủ thường gặp được cải thiện khi họ ngủ trong khách sạn. Các nhà nghiên cứu so sánh nhóm có “hồi phục so với mất ngủ ở nhà” so với nhóm mất ngủ khi “đi xa” – là những người có các dấu hiệu mất ngủ mà họ không thường gặp khi ở nhà. Kết quả chỉ ra rằng nhóm “mất ngủ khi đi xa” thường là nhóm đi công tác hơn là du lịch, gợi ý rằng các hoạt động du lịch sẽ tạo cảm giác rũ bỏ stress và thư giãn so với các buổi họp kinh doanh hay các công việc bắt buộc khác.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng nhóm buổi sáng sẽ hay gặp các triệu chứng mất ngủ mới ở khách sạn so với nhóm buổi tối. Các nhóm buổi tối thường có giờ đi ngủ dao động hơn cho phép họ thích nghi với môi trường mới dễ dàng hơn. Trái lại, nhóm buổi sáng thường quy củ và có giờ giấc ổn định hơn nên họ sẽ nhạy cảm với các gián đoạn do thay đổi múi giờ hay các thay đổi của môi trường như là một căn phòng lạ.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng sự thỏa mãn với khách sạn có ảnh hưởng đáng kể lên chất lượng giấc ngủ trên cả hai nhóm. Nếu bạn là người nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, bạn cần một khách sạn có tiện nghi phù hợp để cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm sự gián đoạn.
Tại sao tôi không thể ngủ ngon trong khách sạn?
Có một vài lý do làm bạn gặp khó khăn với giấc ngủ của mình khi ở khách sạn. Hiệu ứng đêm đầu tiên có thể làm bạn bị tỉnh và khó ngủ. Bạn có thể đang điều chỉnh với việc lệch múi giờ. Hay nếu bạn đang đi công tác thì những stress của công việc có thể là nguyên nhân. Cho dù một số yếu tố này là ngoài khả năng kiểm soát của bạn, bạn vẫn có thể lựa chọn những thứ trong căn phòng cũng như tiện ích của nó để tạo sự khác biệt lớn lên chất lượng giấc ngủ trong suốt chuyến đi của bạn.
Một nghiên cứu lớn trên các vị khách của khách sạn để kiểm tra nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn giấc ngủ cho thấy các than phiền rất đa dạng từ chất lượng gối và nệm kém cho đến nhiệt độ phòng cao, tiếng ồn ngoài đường, ánh sáng không mong muốn từ cửa sổ và tiếng ồn của hệ thống thông gió. Nếu các yếu tố này làm bạn khó ngủ, hãy cân nhắc đổi phòng thay vì chỉ yêu cầu một cái gối mới.
Mặc dù trông có vẻ rắc rối khi phải chuyển phòng sau khi đã bày đồ ra trong khách sạn, cảm giác thoải mái là rất quan trọng. Đổi lên phòng cao hơn và xa hành lang, thang máy và phòng họp có thể giúp bạn tránh được các tiếng ồn quá mức. Tương tự, một phòng ở tầng mới được cải tạo thì nhiều khả năng sẽ có nệm mới. Không ngạc nhiên chút nào khi có nghiên cứu của một khách sạn về chất lượng nệm cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa điều này và chất lượng giấc ngủ theo phản ánh của khách. Vì vậy, đừng ngại nói với nhân viên lễ tân đổi phòng nếu điều này giúp cải thiện giấc ngủ của bạn.
Tôi có thể làm gì để ngủ ngon hơn trong khách sạn?
Có rất nhiều thứ bạn có thể làm để giúp ngủ ngon hơn trong khách sạn. Trước khi đến, hãy tìm hiểu về khách sạn bằng cách đọc những nhận xét trên mạng. Tìm đọc các phản hồi tiêu cực về chất lượng gối hay nệm, tiếng ồn hay các vấn đề về nhiệt độ. Cần kiểm tra xem khách sạn của bạn có ở khu vực trung tâm có nhiều tiếng ồn bên ngoài đường không. Khi chọn phòng, cân nhắc yêu cầu phòng ở tầng cao hơn, xa các tiếng ồn ngoài đường, thang máy và phòng họp. Hỏi các thông tin về rèm cửa hay màn có tối hoàn toàn hay không để phòng của bạn đủ tối cho giấc ngủ ngon.
Nếu bạn có yêu cầu đặc biệt về gối, bạn có thể đem từ nhà để đảm bảo sự thoải mái. Các vật dụng quen thuộc khác đem từ nhà có thể giúp bạn điều chỉnh với môi trường mới của phòng khách sạn. Mang theo một số thứ thiết yếu để cho bạn cảm thấy bình yên trong đêm, ví dụ như ảnh của những người thân yêu hay xịt phòng bằng mùi hương bạn sử dụng ở nhà. Nếu bạn lo lắng về tiếng ồn, bạn có thể đem theo một cái máy tạo tiếng ồn trắng hay nhét tai để ngăn tiếng ồn quấy nhiễu.
Khi đến khách sạn, phải chắc chắn phòng của bạn thoải mái để ngủ. Kiểm tra gối, nệm và rèm cửa cho đảm bảo. Sau đó chọn nhiệt độ phòng đủ mát cho việc ngủ. Nếu bạn vẫn cảm thấy còn bứt rứt, lo lắng hay stress trong đêm, hãy thử một số cách để thư giãn cơ thể và làm cho dễ ngủ hơn. Hãy thực hành bài tập thở sâu thay vì lướt điện thoại là một ví dụ đơn giản và dễ thực hiện giúp đem lại chất lượng ngủ ngon và cải thiện chức năng tim mạch.
Theo SleepFoundation.com