Thông Tin Y Khoa

Hỏi bệnh sử người bệnh buồn ngủ ban ngày

Buồn ngủ ban ngày là than phiền của người bệnh cho rằng họ không giữ nổi sự tỉnh thức khi làm các việc ban ngày hoặc nhu cầu không thể cưỡng lại phải ngả lưng ngủ vào ban ngày. Những bối cảnh gợi ý buồn ngủ ban ngày quá mức là ngủ gục khi đang lái xe, vận hành máy móc gây ra tai nạn, không tập trung được khi đang nghe giảng, khi nói chuyện. Đối với trẻ nhỏ buồn ngủ ngày quá mức có thể biểu hiện bằng tình trạng tăng động hơn là buồn ngủ. Như vậy buồn ngủ ngày quá mức được hiểu là buồn ngủ hay thậm chí là ngủ gục trong các bối cảnh không thuận lợi để ngủ ở nhiều mức độ khác nhau.

Buồn ngủ ban ngày nhẹ biểu hiện bằng hành vi ngủ gục khi đang đọc sách, đang ngồi yên tĩnh ban ngày, buồn ngủ ngày quá mức nặng hơn biểu hiện bằng ngủ gục khi làm các việc đòi hỏi sự tập trung cao hơn như lái xe, vận hành máy móc, nói chuyện, hoặc thậm chí là đang ăn.

Buồn ngủ ngày quá mức có thể đánh giá chủ quan với bảng câu hỏi, ví dụ thang điểm buồn ngủ EPWORTH, là một trong các thang đo đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.

Cũng như mất ngủ, buồn ngủ ngày quá mức liên quan đến cảm nhận của người bệnh về mức độ buồn ngủ ban ngày. Một số người mô tả quá mức triệu chứng này ngay cả trong những thời điểm họ thức tỉnh bình thường. Một số người khác lại mô tả dưới mức triệu chứng này và thậm chí không nhận ra được những thời điểm họ rất buồn ngủ, thậm chí ngủ gục. Cảm nhận buồn ngủ ngày quá mức bị cùn mòn khi thời gian thiếu ngủ kéo dài, do vậy người thiếu ngủ kéo dài trở nên quen thuộc với cảm giác buồn ngủ đến mức họ
không còn nhận ra là cơ thể đang rất buồn ngủ.

Vài triệu chứng thực thể có thể giúp nhận diện buồn ngủ ngày quá mức: người bệnh hay dừng lại khi đang hoạt động, đáp ứng chậm với bên ngoài, ngáp liên tục, sụp mi trên (Hình 1), thâm quầng mắt mi dưới (Hình 2)

Hình 1: Sụp mi mắt trên

Hình 2: Thâm quầng mắt mi dưới

Buồn ngủ ngày quá mức có thể đánh giá khách quan với trắc nghiệm đo thời gian tiềm thời giấc ngủ MSLT (Multiple Sleep Latency Test) đánh giá cơ hội rơi vào giấc ngủ và trắc nghiệm duy trì sự tỉnh thức MWT (Maintenance of Wakefulness) đánh giá khả năng duy trì sự tỉnh thức. Trắc nghiệm MSLT tính toán thời gian trung bình khởi phát giấc ngủ trên đa ký giấc ngủ trong 5 lần thử nghiệm cách nhau 2 giờ trong giai đoạn thức giấc bình thường, nghĩa là ban ngày. Trắc nghiệm MWT tính toán khuynh hướng duy trì được sự tỉnh thức trên đa ký giấc ngủ trong 4 lần thử nghiệm trong phòng ngủ có ánh sáng mờ.

Buồn ngủ ngày quá mức cần được phân biệt với triệu chứng mệt mỏi (Fatigue). Mệt mỏi là một cảm giác giảm, mất năng lượng hơn là buồn ngủ, muốn đi ngủ. Người buồn ngủ ngày cũng cảm thấy giảm, mất năng lượng, nghĩa là mệt mỏi, nhưng vì đôi khi họ không phân biệt được cảm giác mất giảm năng lượng với buồn ngủ và muốn ngủ, hậu quả, nhầm mệt mỏi với buồn ngủ. Dù mệt mỏi và buồn ngủ hay xuất hiện cùng nhau, mệt mỏi là triệu chứng khác hẳn buồn ngủ. Người mệt mỏi đơn thuần có thể không buồn ngủ
và ngủ, nhưng họ tin rằng ngủ sẽ giúp bớt mệt mỏi, lấy lại năng lượng. Phân biệt rõ ràng giữa mệt mỏi và buồn ngủ là thách thức ngay cả bác sỹ nhiều kinh nghiệm. Dùng thang điểm đánh giá cơ hội rơi vào giấc ngủ (EPWORTH) có thể là một cách tiếp cận hữu ích.

Sau khi xác nhận buồn ngủ ban ngày quá mức, hỏi tìm hiểu nguyên nhân rất quan trọng.

  • Thông tin về thói quen ngủ, môi trường ngủ có thể giúp nhận diện các yếu tố góp phần gây buồn ngủ ngày quá mức. Nợ giấc ngủ, thiếu ngủ hay gặp trong xã hội hiện đại, cần hỏi giờ giấc đi ngủ và thức dậy giữa ngày trong tuần và ngày cuối tuần để chẩn đoán.
  • Bệnh nội khoa, dùng thuốc men cũng là nguyên nhân gây buồn ngủ ngày quá mức: bệnh tim, thận, gan, thấp khớp, đái tháo đường, suy giáp. Vài thuốc như kháng histamin vẫn có thể gây buồn ngủ bất chấp uống thuốc buổi tối.
  • Các bệnh thần kinh như đột quỵ, u não, thoái hóa myelin, chấn thương đầu, có thể kết hợp với buồn ngủ ngày quá mức.
  • Buồn ngủ ngày quá mức là triệu chứng chính của ngưng thở khi ngủ, bệnh ngủ rũ, bệnh tăng ngủ nguyên phát, rối loạn cận giấc ngủ. Cần hỏi ngáy, ngưng thở khi ngủ, nhức đầu buổi sáng, mất trương lực cơ đột ngột, liệt cơ khi vào giấc ngủ, ảo giác khi vừa mới ngủ, hoảng loạn, mơ hồ khi vừa thức giấc để chẩn đoán các bệnh lý giấc ngủ gây buồn ngủ ngày quá mức.
  • Người mắc bệnh tăng ngủ nguyên phát cho biết họ buồn ngủ và phải ngủ nhiều lần trong ngày, nhưng sau khi ngủ dậy xong không thấy tỉnh táo, ngược lại người mắc bệnh ngủ rũ cũng buồn ngủ và ngủ nhiều lần trong ngày, nhưng mỗi lần ngủ dậy lại cảm thấy tỉnh táo.

Tài liệu tham khảo

Kryer, Meir H, editor. Sleep and Breathing Disorders. First edition. Philadelphia, PA: Elsevier [2017] p. 1 – 45.

TS.BS. Lê Khắc Bảo
83 views
admin
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông tin này có thể được công khai.