Biến cố bất thường khi ngủ là than phiền của người bệnh hoặc người nhà về các bất thường về hành vi, cử chỉ, hay cảm giác xuất hiện trong khi ngủ. Thông thường người nhà sẽ mô tả các hành vi, cử chỉ, hoặc lời nói người bệnh thể hiện vào thời điểm đi vào hay ra khỏi giấc ngủ, trong khi đang ngủ, phản ứng của người bệnh với các kích thích từ bên ngoài nếu có vào thời điểm đó.
Việc người bệnh nhớ hay quên các biến cố bất thường này là chi tiết chẩn đoán quan trọng. Ví dụ biến cố la hét không kiểm soát và người bệnh quên mất mà xuất hiện vào 1/3 đầu đêm thường là triệu chứng của hoảng loạn khi ngủ do rối loạn giấc ngủ NREM; trái lại biến cố cử động bất thường đi kèm giấc mơ và người bệnh nhớ lại mà xuất hiện vào cuối đêm thường là triệu chứng của rối loạn hành vi trong REM do rối loạn giấc ngủ REM. Co giật do động kinh, trái lại xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong đêm, và càng gợi ý nếu có tiền căn đã từng có các cơn động kinh ban ngày.
Ngáy khi ngủ
Là tiếng động phát ra khi dòng khí xoáy lưu thông làm rung động phần mô mềm đường hô hấp trên. Thường ngáy xuất hiện nhiều hơn ở thì hít vào và xảy ra ở khoảng 32% người lớn và 7% trẻ em. Người ngáy thường không tự ghi nhận được triệu chứng ngáy, bác sỹ cần hỏi người ngủ cùng để xác nhận triệu chứng này. Ngáy xuất hiện nhiều hơn ở tư thế nằm ngửa, sau khi uống rượu bia, khi thiếu ngủ. Ngáy có thể lớn đến mức làm phiền người ngủ cùng, thậm chí là hàng xóm.
Ngáy là triệu chứng kinh điển của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, nhưng không có ngáy lại không loại trừ chẩn đoán này. Điều này đặc biệt đúng ở người trải qua phẫu thuật hầu họng lấy bớt một số mô mềm, hoặc ở người mắc bệnh thần kinh cơ khiến họ không tạo đủ lực hô hấp hình thành luồng khí xoắn gây tiếng ngáy.
Dù ngáy không gây xáo trộn đáng kể cuộc sống người ngáy, nó báo hiệu nguy hiểm tiềm ẩn, ví dụ người ngáy có nguy cơ cao hơn mắc bệnh tim mạch. Ngưng thở khi ngủ, là ngưng thông khí, được định nghĩa là ngưng thông khí ít nhất 10 giây và thường kết hợp với giảm oxy máu và vi thức giấc. Ngáy là triệu chứng thường gặp báo hiệu ngưng thở khi ngủ, nhưng biến cố ngưng thở, ngộp thở ban đêm mới là triệu chứng chủ quan tin cậy nhất của ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ được chia làm hai loại là ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương.
- Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, do tắc nghẽn đường thở trên trong khi ngủ, là triệu chứng thường gặp hơn. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường đi kèm với các triệu chứng cơ năng khác như ngáy, ngưng thở được chứng kiến bởi người nhà, khô miệng, nhức đầu buổi sáng, và các triệu chứng thực thể như tăng huyết áp, béo phì, cổ lớn, miệng họng chật, lưỡi lớn, khẩu cái mềm dài, cằm dưới thụt lùi ra sau.
- Ngưng thở trung ương khi ngủ, do ngừng hoạt động co cơ hô hấp khi ngủ, người bệnh cũng bị tụt oxy máu và thức giấc. Ngưng thở trung ương khi ngủ thường do sử dụng thuốc á phiện, tổn thương thần kinh vùng thân não, hoặc vùng não điều khiển hô hấp. Nhịp thở Cheyne Stokes có thể biểu hiện đồng thời đặc điểm của ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương khi ngủ, thể hiện bằng nhịp thở tăng dần sau đó giảm dần về biên độ với hình ảnh quả trám, thường gặp trên người bệnh suy tim, tổn thương thần kinh trung ương, bệnh não cho chuyển hóa hay độc chất.
Mất trương lực cơ đột ngột (Cataplexy)
Là tình trạng trương lực cơ đột ngột mất đi ngoài ý muốn, kích thích bởi xung động tình cảm hay hoạt động thể lực. Người bệnh lúc này vẫn nhớ rõ bối cảnh và thứ tự diễn ra các hiện tượng, khác hẳn với động kinh và ngất ở chỗ trong động kinh hay ngất thì người bệnh hoàn toàn không nhớ được chuyện gì xảy ra.
Biến cố này có thể xuất hiện sau sự kiện đùa vui, gây ngạc nhiên, giận dữ, sợ hãi, phấn khích. Mức độ mất trương lực có thể đi từ nhẹ nhàng như cảm giác yếu tay, chân đến nặng nề như té ngã. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, tác động đến vùng mặt, cổ, và sau đó là lan ra toàn bộ cơ thể. Cơn thường ngắn và kết thúc sau vài phút. Người bệnh phục hồi nhanh chóng trương lực cơ và trong giai đoạn đó hoàn toàn không mất tri giác, không lú lẫn hay quên. Một số cơn kéo dài hơn có thể kết thúc bằng việc người bệnh đi vào giấc ngủ và sau đó tỉnh dậy.
Khám lâm sàng trong cơn có thế phát hiện tình trạng giảm trương lực cơ lan tỏa, mất phản xạ gân gót, giảm phản xạ nhắm mi, nhưng vẫn giữ được phản xạ co đồng tử, trong nhiều trường hợp có vặn xoắn cơ, khiến bác sỹ nhầm với cơn động kinh. Mất trương lực cơ này cần phân biệt với bệnh nhược cơ (Myasthenia gravis) ở chỗ khởi phát đột ngột và không có hiện tượng mỏi mệt cơ khi kích thích lập đi lập lại, điển hình cho bệnh nhược cơ.
Liệt trong giai đoạn chuyển tiếp thức – ngủ (Sleep paralysis)
Là triệu chứng không thể cử động nhúc nhích trong giai đoạn chuyển giao giữa thức và ngủ, người bệnh mô tả cảm giác như bị bóng đè, nghĩa là, không thể di chuyển dù là một ngón tay, không thể thốt nên lời, người bệnh muốn kêu to lên nhưng chỉ có thể phát ra những tiếng thì thào yếu ớt, trong khi đó người bệnh vẫn ý thức nhận biết rõ là bản thân đang buồn ngủ, hay đang thức giấc trở lại.
Người bệnh thường mô tả triệu chứng này như là một cảm xúc mạnh mẽ như thấy cái chết đang đến gần, đang bị rượt đuổi rất gắt gao và phải tìm mọi cách để thoát thân, đôi khi họ mô tả có thấy ai đó trong phòng ngủ, người bệnh có thể mô tả nghe được âm thanh lạ, cảm giác sờ đụng lạ, và thường có thể kể lại những câu chuyện lạ lùng. Biến cố này có cường độ cảm xúc rất lớn làm người bệnh mất nhiều năm tháng mà cũng không thể quên được các chi tiết của biến cố.
Liệt trong giai đoạn chuyển giao thức – ngủ thường kéo dài vài phút và chấm dứt khi người bệnh được người khác lay gọi, đánh thức dậy. Trong trường hợp không có ai lay gọi, người bệnh có thể đi vào giấc ngủ thực sự và thức giấc lại sau đó.
Liệt trong giai đoạn chuyển giao thức – ngủ thường kết hợp với thiếu ngủ trầm trọng, thay đổi thời gian thức ngủ đột ngột, uống rượu bia, và thường gặp hơn trên người mắc bệnh ngủ rũ.
Ảo giác lúc mới đi vào giấc ngủ (hypnagogic hallucinations) và ảo giác lúc vừa mới thức giấc (hypnapompic hallucinations)
Bao gồm các loại ảo giác về thị giác, thính giác, xúc giác và có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Các ảo giác này xảy ra vào giai đoạn chuyển giao thức – ngủ, kết hợp với các đặc tính giấc mơ, có thể rất dễ thương hay gây sợ hãi và khó phân biệt được thực hay ảo.
Người bệnh mô tả cảm giác người nhẹ bổng, đang bị rơi tự do, đang bay hoặc cảm giác thấy bản thân đi ra khỏi cơ thể kiểu như “xuất hồn”, các biến cố này thường có thể kết thúc bằng một cái giật mình. Ảo thị có thể thể hiện dưới dạng màu sắc hay hình dáng mờ ảo hay rõ ràng của con người hay động vật và biến mất đi khi người bệnh tỉnh giấc.
Hội chứng đầu nổ tung (exploding head syndrome)
Được mô tả bởi trải nghiệm nghe được một tiếng nổ lớn, không gây đau, xuất hiện vào thời điểm đi vào giấc ngủ. Rối loạn cận giấc ngủ này thường lành tính và thường kết hợp với ảo thị thấy hình ảnh chớp sáng lóa.
- Người có triệu chứng ảo giác lúc chuyển giao thức ngủ đi kèm với buồn ngủ ngày quá mức cần phải được kiểm tra xem có bị bệnh ngủ rũ hay không.
- Triệu chứng ảo giác này có thể lặp lại nhưng không phải lần nào cũng giống y như vậy, đây là điểm quan trọng phân biệt với triệu chứng động kinh.
- Thiếu ngủ, thay đổi giờ giấc thức ngủ, uống rượu bia, hoặc ngưng các thuốc ức chế giấc ngủ REM có thể làm bùng phát các triệu chứng ảo giác khi chuyển giao thức – ngủ này.
- Đặc tính ảo giác xuất hiện liên quan chặt chẽ với giấc ngủ giúp chẩn đoán phân biệt với ảo giác trong bệnh loạn thần và sa sút trí tuệ. Thời gian xuất hiện ảo giác cũng ngắn hơn ảo giác do tổn thương cuống não (đồi thị, và trung não). Một số người bệnh sa sút trí tuệ cũng có ảo giác vào ban đêm nhưng họ thường kết hợp suy giảm nhận thức và một số người còn có cả ảo giác khi thức.
Hành vi tự động (Automatic behavior)
Bao gồm các hành vi có mục đích nhưng không phù hợp hoàn cảnh xảy ra trên một người trong trạng thái nửa thức, nửa ngủ. Ví dụ, một người lính thiếu ngủ trầm trọng có thể tiếp tục bước đều nhưng đi sai hướng, một người nội trợ đã đưa vỏ hộp sữa vào lò vi sóng thay vì cho vào thùng rác, để chén đĩa dơ vào máy giặt thay vì máy rửa chén. Người bệnh lúc thực hiện những hành vi này, họ đang rất buồn ngủ, đi lại loạng choạng, nhưng sau đó chỉ nhớ một phần hay quên hoàn toàn các sự kiện vừa diễn ra, mặc dù là trong lúc thực hiện các hành vi tự động, người bệnh đang ngủ, nhưng người bệnh vẫn có thể đủ tỉnh táo để trả lời các câu hỏi một cách phù hợp.
Triệu chứng hành vi tự động có thể kéo dài vài phút đến một giờ. Các sự kiện trong triệu chứng hành vi tự động có thể lặp lại nhưng không chính xác theo thứ tự lớp lang, và đây là điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với triệu chứng động kinh. Triệu chứng hành vi tự động và “ngủ trơ” (sleep inertia), nghĩa là kéo dài giấc ngủ sâu trong giai đoạn thức giấc, thường gặp trên người bệnh tăng ngủ nguyên phát và muộn pha giấc ngủ.
Cử động bất thường trong lúc ngủ hoặc rối loạn cận giấc ngủ (parasomnia)
Là các cử động, cử chỉ không mong muốn xuất hiện trong lúc ngủ. Các bất thường này bao gồm bất thường giai đoạn thức tỉnh như là mộng du, hoảng loạn về đêm; bất thường giai đoạn chuyển giao thức – ngủ như là nghiến răng, rối loạn vận động có chu kỳ (ví dụ đập đầu); bất thường giai đoạn REM như là rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
Những rối loạn hành vi kiểu này nhìn rất giống cơn động kinh hay các biến cố tâm thần khác, như vậy mô tả chính xác từ người quan sát thấy là rất quan trọng để chẩn đoán. Điểm chính để phân biệt là triệu chứng của cơn động kinh xảy ra có tính chất lặp lại đúng thứ tự, “y theo một khuôn” từ đêm này sang đêm khác, trái lại rối loạn cận giấc ngủ xảy ra không theo kiểu “y khuôn” từ đêm này sang đêm khác.
Tuổi khởi phát, triệu chứng xuất hiện về đêm, ký ức về các sự kiện, tiền sử gia đình là các yếu tố quan trọng để xác định nguyên nhân của các rối loạn cận giấc ngủ.
Nói mớ (sleeptalking)
Là biến cố tương đối hay gặp, có thể biểu hiện chỉ là tiếng ú ớ vô nghĩa đến những hội thoại hoàn chỉnh mạch lạc trong khi ngủ. Biến cố này hay xảy ra trong các giai đoạn nông của giấc ngủ NREM, song cũng xảy ra trong giấc ngủ REM.
Người bệnh không nhớ đã nói gì trong giấc ngủ, tuy nhiên nội dung nói chuyện có phần nào phản ánh sự thật. Nhiều người nói mớ và đây được xem là một biến thể của bình thường. Không kèm các rối loạn giấc ngủ khác, nói mớ không gợi nên vấn đề y khoa nào.
Mộng du (sleepwalking)
Thường là một phần của rối loạn giai đoạn thức, thể hiện sự tỉnh thức không hoàn toàn từ giai đoạn giấc ngủ sâu N3, xảy ra ở 1/2 đầu đêm. Mộng du bao gồm các hành vi từ đơn giản như thay quần áo, mở khóa, dọn dẹp nhà cửa, cho đến hành vi thực hiện các công việc phức tạp hơn như làm việc, thậm chí lái xe.
Người bệnh thường không nhớ gì về các sự việc đã xảy ra trong đêm. Khi thực hiện các hành vi đó họ hoàn toàn không có tăng nhịp tim, đổ mồ hôi, hoặc biểu hiện sợ hãi gì cả. Không có hành vi la hét sợ hãi và không có các biểu hiện thần kinh thực vật như vậy giúp chẩn đoán phân biệt giữa mộng du và hoảng loạn khi ngủ.
Khác với nói mớ, người có triệu chứng mộng du cần được khảo sát xem họ có rối loạn giấc ngủ gì không, thông thường đó là các rối loạn làm gia tăng sự thức tỉnh của người bệnh.
Hoảng loạn khi ngủ (sleep terrors)
Là biểu hiện nặng của rối loạn giai đoạn thức với triệu chứng nổi bật là biểu hiện thần kinh thực vật. Ít hơn 1% người lớn có triệu chứng này.
Triệu chứng này thường xuất hiện vào 1/3 đầu đêm. Người bệnh thường choàng dậy đột ngột, la hét sợ hãi, khóc lóc, tim đập nhanh, nhịp thở nhanh, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, giãn đồng tử, thứ tự của các sự kiện có thể rất khác biệt giữa các đêm, chi tiết này giúp chẩn đoán phân biệt với cơn động kinh.
Người bệnh sau đó không nhớ gì về sự việc xảy ra trong đêm. Người bệnh thường lơ mơ, mất định hướng, lúc này nếu người bên ngoài can thiệp vào giữa chừng cố gắng đánh thức người bệnh dậy, thì không những không giúp ích cho người bệnh mà còn làm cho cơn hoảng loạn khi ngủ kéo dài lâu hơn, và người bệnh có thể tấn công gây tổn thương người đang cố gắng đánh thức họ dậy.
Cũng như mộng du, người mắc hoảng loạn khi ngủ cần được đánh giá xem họ có rối loạn giấc ngủ gì không.
Thức giấc mơ hồ (Confusional Arousals)
Có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của giấc ngủ NREM, thể hiện bằng rối loạn định hướng, tư duy và nói năng chậm chạp, hành vi không phù hợp, sau đó người bệnh quên hết các sự kiện xảy ra. Cố gắng đánh thức người bệnh có thể làm xuất hiện triệu chứng thức giấc mơ hồ này.
Càng lớn tuổi, triệu chứng này giảm dần về tần suất nhưng vẫn tồn tại ở tuổi trưởng thành. Thức giấc mơ hồ có thể đi kèm triệu chứng rối loạn hành vi liên quan giấc ngủ phức tạp ví dụ như ăn trong khi ngủ, quan hệ tình dục trong khi ngủ nhưng người bệnh hoàn toàn quên mất những hành vi này vào buổi sáng hôm sau.
Rên rỉ trong lúc ngủ (catathrenia)
Người bệnh phát ra những âm thanh rên rỉ kéo dài vào thì thở ra, nghe rất não nề, sáng hôm sau thường có khàn giọng nhưng hoàn toàn không nhớ đã rên rỉ hay có cảm xúc buồn bã gì cả.
Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM
Người bệnh có những hành vi như đấm, đá, nhảy, chạy, nói, la hét, và tất cả các hành vi khác có thể xảy ra trong giấc mơ. Người bệnh có thể nhớ lại rõ ràng các hành vi trong giấc mơ và tả lại chính xác với mô tả của người chứng kiến. Đa số các giấc mơ có nội dung chạy trốn hoặc bảo vệ. Các sự kiện này thường xảy ra 1/2 sau của đêm song cũng có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào người bệnh đi vào giấc ngủ REM. Người bệnh có thể có nhiều sự kiện như vậy trong một đêm.
Trong đa số trường hợp, rối loạn hành vi giấc ngủ REM bắt đầu vào tuổi trưởng thành muộn, tuy nhiên trẻ em cũng có thể bị.
- Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM có thể phát sinh bởi thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế men MAO, thuốc ức chế hấp thu chọn lọc Serotonin.
- Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM cấp có thể xuất hiện khi cai nghiện rượu, cai nghiện benzodiazepines.
- Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM mạn có thể xuất hiện nhiều năm tháng trước khi người bệnh đến khám, có liên quan đến các bệnh lý như Parkinson, teo cơ hệ thống, sa sút trí tuệ, đột quỵ, u hố sau, bệnh hủy myelin.
Ác mộng
Có thể hiện diện như là triệu chứng ban đầu của rối loạn giấc ngủ. Đặc tính của ác mộng là giấc mơ có nội dung cảm xúc mạnh mẽ kết hợp với sợ hãi, lo lắng, giận dữ, buồn bã, hoặc các cảm xúc âm tính khác. Người bệnh thức dậy từ giai đoạn giấc ngủ REM hoặc NREM giai đoạn nông sang giai đoạn thức tỉnh hoàn toàn và thường nhớ rõ các sự kiện trong giấc mơ.
Ác mộng thường kết hợp với các biến cố gây rối loạn về tâm lý nhưng cũng có thể là do thuốc như là thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích dopamin. Ác mộng cũng xuất hiện trên người mắc bệnh ngủ rũ và ngưng thở khi ngủ.
Rối loạn cử động có tính chu kỳ liên quan giấc ngủ
Có thể biểu hiện bằng các hành vi gây phân tâm khác nhau xảy ra trước khi bắt đầu giấc ngủ. Các cử động này có tính chất “lập lại theo khuôn” thường liên quan đến các cơ lớn và kéo dài cho đến giai đoạn ngủ nông. Các hành vi và cử động có liên quan có thể bao gồm việc đập đầu, căng cứng người, vặn xoắn chân, kêu vo ve, và hát, gây phiền nhiễu cho người ngủ cùng hơn là bản thân người bệnh.
Đa số người bệnh cảm nhận các hành vi này có tính chất cưỡng bức và mang hiệu quả xoa dịu trước khi ngủ. Triệu chứng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ và giảm dần khi tuổi lớn, thường gặp hơn ở nam hơn nữ, người mắc tự kỷ, chịu áp lực tinh thần. Cảm xúc căng thẳng có thể kích phát triệu chứng này và người bệnh thường biết trước khi nào triệu chứng xảy ra, giúp phân biệt với cơn động kinh.
Nghiến răng liên quan giấc ngủ
Có thể xảy ra như các hoạt động nhịp nhàng, lập đi lập lại trong lúc ngủ. Tiếng nghiến răng tạo ra có thể tạo ra những âm thanh khó nghe. Người bệnh có thể bị mòn răng, đau hàm, đau đầu, đau mặt, và cả đau răng. Biến cố này có thể xảy ra cả trăm lần trong đêm và tăng lên thêm khi người bệnh có cảm xúc căng thẳng.
Hội chứng chân không yên RLS (Restless Leg Syndrome) và cử động chân có chu kỳ khi ngủ PLMS (Periodic Limb Movement at Sleep)
Người bệnh than phiền khó chịu, đau nhức sâu ở chân và tay, và cảm giác khó chịu này giảm đi khi di chuyển chân hay tay. Tiêu chuẩn chẩn đoán tập trung vào bốn triệu chứng chính: (1) cảm giác hoặc thôi thúc muốn di chuyển chân, (2) tăng nặng triệu chứng khi nghỉ ngơi, (3) cải thiện triệu chứng khi vận động, và (4) tăng tần số về đêm. Ngoài ra, người bệnh phải ghi nhận triệu chứng khó chịu, lo lắng, bất an, rối loạn giấc ngủ liên quan đến cảm giác này.
Người bệnh có thể chia sẻ rằng họ bị cưỡng bức phải làm cái gì đó để giảm nhẹ cảm giác khó chịu này ví dụ phải đi lại, phải cử động chân liên tục, thậm chí là cử động suốt đêm hoặc cố gắng ngủ trong lúc chân vẫn liên tục cử động. Vài người bệnh phải uống rượu, hoặc uống thuốc để giảm triệu chứng, vài người khác than phiền chân của họ tự di chuyển hoặc nhảy múa, cho thấy di động chân có chu kỳ trong lúc thức.
Hội chứng chân không yên thường đi kèm với cử động chân có chu kỳ. Cử động chân chu kỳ khi ngủ là cử động lặp đi lập lại “theo khuôn”, điển hình là cử động chân bao gồm việc duỗi ngón cái, gập lưng cổ chân, gập gối và hông. Người bệnh hay người ngủ cùng than phiền có đá chân hay di chuyển tay vào ban đêm. Các cử động này có thể xảy ra theo chu kỳ hay ngẫu nhiên. Cử động cũng có thể xuất hiện ở tay và cơ trục. Từng cử động thường khá ngắn, chỉ từ 0,5 – 5 giây, cách nhau từ 5 – 90 giây. Mặc dù đa số người mắc hội chứng chân không yên có cử động chân chu kỳ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người cử động chân chu kỳ buồn ngủ ngày quá mức hoặc mất ngủ.
Cử động chân chu kỳ có các yếu tố kích phát giống hội chứng chân không yên, và kết hợp với các bệnh lý như ure huyết cao, bệnh mạch máu ngoại biên, thiếu máu thiếu sắt, viêm khớp, bệnh dây thần kinh ngoại biên, tổn thương tủy sống, dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống nôn, và sử dụng cà phê.
Nhức đầu buổi sáng
Là triệu chứng thường gặp với 3/4 dân số thỉnh thoảng có nhức đầu buổi sáng, triệu chứng này thường không đặc hiệu. Nhức đầu buổi sáng có thể là triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, nhưng cũng có thể là do tăng huyết áp về đêm.
- 1/2 người bệnh ngưng thở lúc ngủ và giảm thông khí phế nang có nhức đầu buổi sáng với tính chất đè tức, lan tỏa, và thường biến mất sau khi thức giấc vài giờ.
- Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, và hội chứng béo phì giảm thông khí ghi nhận nhức đầu vào buổi sáng do tăng PaCO2, giảm SpO2, và thay đổi mạch máu.
- Người bệnh viêm xoang, nhức đầu do co cơ, sau uống rượu, sau ngưng thuốc (nhức đầu dội ngược) có thể có kiểu cách nhức đầu riêng biệt.
- Nhức đầu theo cụm, xuất hiện trong giấc ngủ REM, nhức đầu “gây thức giấc” xảy ra đều đặn, đau như xé, dài 15 – 60 phút làm người bệnh thức giấc, xuất hiện khoảng 1 – 3 giờ sáng. Loại nhức đầu này cần được khảo sát kỹ lưỡng, bao gồm hình ảnh học sọ não. Người bệnh u não có thể có nhức đầu nặng lên ban đêm.
Tài liệu tham khảo
Kryer, Meir H, editor. Sleep and Breathing Disorders. First edition. Philadelphia, PA: Elsevier [2017] p. 1 – 45.
TS.BS. Lê Khắc Bảo