Mất ngủ ban đêm là than phiền của người bệnh cho rằng họ đã không ngủ đủ thời gian, và hoặc đủ sâu. Mất ngủ dù là ban đêm cũng có biểu hiện vào ban ngày bằng mệt mỏi quá mức, giảm năng suất học tập, làm việc, thay đổi trương lực cảm xúc. Chẩn đoán mất ngủ đòi hỏi kết hợp giữa “chất lượng ngủ kém” đi kèm các rối loạn nặng hơn, thậm chí là các triệu chứng tâm thần kinh, thực thể vào ban ngày. Kết hợp hai nhóm triệu chứng này là cần thiết để phân biệt giữa “mất ngủ thực sự” với “nhu cầu ngủ ít”. Nhu cầu ngủ khác nhau giữa các cá nhân, có người chỉ cần ngủ 5 tiếng mỗi đêm là đủ, có người lại cần ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm mới đảm bảo hoạt động bình thường ban ngày.
Mất ngủ liên quan đến cảm nhận về giấc ngủ không ngon. Người mất ngủ có niềm tin sâu sắc rằng mất ngủ ban đêm gây ra buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi, mất tập trung, đau nhức cơ, trầm cảm; và rằng ngủ ngon sẽ giúp đảo ngược các triệu chứng này. Cảm nhận về giấc ngủ là một chi tiết quan trọng cần đánh giá. Một số người bệnh phóng đại quá mức triệu chứng của họ, một số người khác thậm chí còn không nhận ra là họ đã ngủ nữa. Đó là tình huống người bệnh than phiền là họ không hề ngủ, trong khi đó ghi nhận đa ký giấc
ngủ cho thấy họ đã ngủ, thậm chí là ngủ ở các giai đoạn rất sâu N3 hoặc REM, còn được chẩn đoán dưới tên khác là mất ngủ nghịch thường (paradoxical insomnia). Một trong các nguyên nhân của mất ngủ nghịch thường là do kỳ vọng đến mức không tưởng về giấc ngủ, ví dụ, họ buộc phải ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm, nếu vì một lý do nào đó, thức giấc mà thấy chưa đủ số giờ, họ sẽ cho là đã mất ngủ, hoặc họ buộc phải ngủ trong môi trường hoàn toàn không tiếng động, ánh sáng nào, nếu không được đáp ứng, họ sẽ không thể ngủ được.
Chỉ số độ nặng mất ngủ ISI (Insomnia Severity Index) vẫn hay được dùng trong các nghiên cứu về mất ngủ, có thể có ích trên thực hành lâm sàng. ISI ≥ 10 giúp nhận diện mất ngủ với độ nhạy 86% và độ chuyên 88% trong dân số chung.
Môi trường phòng ngủ là một chi tiết khác cần đánh giá. Một số người sợ lên
giường ngủ, vì sợ phải trải qua những giờ dài lê thê trên giường mà không chợp mắt được. Kỳ vọng kiểu này vô tình đã làm họ trở nên tỉnh táo mỗi khi lên giường ngủ. Ngược lại, họ sẽ ngủ một cách dễ dàng khi được đưa vào môi trường phòng ngủ khác, ví dụ phòng thí nghiệm giấc ngủ. Họ chia sẻ là ngủ ngon hơn, sâu hơn khi họ đi khách sạn, đến thăm nhà bạn ngủ lại .v.v. Rối loạn này được gọi dưới tên là mất ngủ do nguyên nhân thần kinh tâm lý (psychophysiologic insomnia).
Các yếu tố cơ địa, khởi phát, duy trì mất ngủ là các yếu tố góp phần, cần phải được hỏi để phát hiện. Ví dụ:
- Mất ngủ thường gặp hơn trên phụ nữ, người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh nội khoa mạn tính. Mất ngủ cũng hay gặp trên người có địa vị xã hội thấp và kém học vấn.
- Những đặc điểm khác như hành vi ám ảnh cưỡng bức, tính tình “thù dai”, “hay nhắc chuyện cũ”, “kém thích nghi”, và “lo lắng quá mức” liên quan nguy cơ mất ngủ cao hơn.
- Thay đổi môi trường đột ngột, các thách thức thực thể và tinh thần ví dụ mắc bệnh nội khoa cấp tính, biến cố thần kinh, tâm lý, thay đổi chế độ thuốc men, dinh dưỡng, có thể là các yếu tố kích phát mất ngủ.
- Một số người bệnh thử dùng các hành vi mà họ tin sẽ giúp giảm mất ngủ, nhưng thật ra các hành vi này lại biến mất ngủ cấp tính thành mạn tính, biến mất ngủ ngắn hạn thành dài hạn: thay đổi thời gian đi ngủ, sử dụng thuốc ngủ, uống rượu bia để dễ ngủ hơn, vận động mạnh trước giờ đi ngủ, xem tivi, chơi trò chơi điện tử để lôi họ ra khỏi các lo lắng khiến họ mất ngủ.
- Một số bệnh nội khoa hoặc thần kinh cũng có thể khởi phát hay duy trì giấc ngủ vì rối loạn bất kỳ hệ thống nào trong cơ thể cũng có thể gây mất ngủ. Người bệnh tim mạch, hô hấp, thận niệu, tiêu hóa, da liễu, thần kinh thường than phiền mất ngủ.
Thời gian xuất hiện mất ngủ là một chi tiết hữu ích trong chẩn đoán. Mất ngủ có thể thể hiện bằng khó đi vào giấc ngủ đầu đêm, thức giấc giữa đêm thường xuyên, thức giấc quá sớm vào buổi sáng và không thể đi vào giấc ngủ trở lại. Rối loạn chu kỳ ngày đêm kiểu chậm pha có thể biểu hiện thành khó đi vào giấc ngủ, rối loạn kiểu sớm pha có thể biểu hiện thành thức giấc quá sớm vào buổi sáng. Hội chứng chân không yên, di động chân có chu kỳ, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, có thể biểu hiện thức giấc giữa đêm thường xuyên.
Đặc tính mạn hay cấp tính của mất ngủ cũng là một chi tiết cần ghi nhận. Một số người bệnh xuất hiện mất ngủ từ trẻ và có thể kéo dài cả đời, một số người khác xuất hiện mất ngủ cấp tính (< 3 tháng) sau một biến cố nào đó, nhưng cũng có người mất ngủ mạn (> 3 tháng), một số trường hợp không rõ nguyên nhân sau khi được khảo sát kỹ lưỡng.
Tài liệu tham khảo
Kryer, Meir H, editor. Sleep and Breathing Disorders. First edition. Philadelphia, PA: Elsevier [2017] p. 1 – 45.
TS.BS. Lê Khắc Bảo