Thông Tin Y Khoa

Tiếp cận chẩn đoán mất ngủ

Mất ngủ là vấn đề lâm sàng thường gặp, là gánh nặng sức khỏe cộng đồng với tần suất cao, thời gian kéo dài, hậu quả nghiêm trọng trên sức khỏe, ảnh hưởng kinh tế xã hội, khó khăn trong điều trị. Mất ngủ là rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất trong dân số chung.

A. Định nghĩa Mất ngủ

Mất ngủ định nghĩa là không thõa mãn với giấc ngủ được biểu hiện dưới dạng khó đi vào hay duy trì giấc ngủ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn mất ngủ đòi hỏi thêm sự hiện diện của các khó chịu hay tổn thương vào ban ngày được xem là có liên quan đến mất ngủ ban đêm.

Mất ngủ có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm các bệnh đồng mắc khác như là bệnh nội khoa, tâm thần, và các bệnh lý giấc ngủ khác. Mất ngủ rất hay chồng lấp với bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn cảm xúc và lo âu, vì thế cần đặc biệt lưu ý.

  • Định nghĩa Thiếu ngủ (Sleep deprivation)

Thiếu ngủ được định nghĩa là bất kỳ hoàn cảnh nào dẫn đến ngủ không đủ, cho dù là cấp tính hay mạn tính, thiếu ngủ toàn phần hay một phần.

Thiếu ngủ tùy theo mức độ và thời gian có thể có các ảnh hưởng trên thần kinh – hành vi và các thông số sinh lý ngoại biên. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ là tùy theo cân bằng nội môi của chủ thể, nhịp điệu ngày đêm, và sức khỏe chung của não.

Thiếu ngủ hoàn toàn cấp tính (thức trắng 1 đêm) có thể gây chậm chạp trong chú ý, rối loạn chức năng thực hiện, ảnh hưởng đến các kỹ năng vừa mới học được, làm tuột tâm trạng của người khỏe mạnh, nhưng ngược lại, cải thiện tạm thời tâm trạng của một vài người trầm cảm.

Thiếu ngủ một phần mạn tính xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Thiếu ngủ một thời gian ngắn mạn tính là yếu tố nguy cơ quan trọng gây tai nạn xe cộ và bệnh nghiêm trọng như bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường, và đặc biệt ung thư.

B. Lâm sàng

Bệnh cảnh lâm sàng mất ngủ gồm 5 thành phần:

  1. Than phiền mất ngủ gồm khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức giấc quá sớm vào buổi sáng hoặc kết hợp cả ba triệu chứng. Mất ngủ có thể kéo từ vài ngày đến vài chục năm, với tần suất hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng, theo hay không theo chu kỳ. Mức độ mất ngủ có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng ban ngày bao gồm các than phiền về nhận thức, cảm xúc, và thực thể. Các yếu tố thúc đẩy tăng nặng mất ngủ, và cách người bệnh đối phó với mất ngủ làm phong phú thêm bệnh cảnh mất ngủ.
  1. Hoàn cảnh và môi trường ngủ bao gồm các chi tiết về phòng ngủ, giường ngủ, hoạt động trí óc và thể lực của người bệnh trước khi đi ngủ, cách thức người bệnh đi vào giấc ngủ hoặc ngủ lại sau khi đã thức dậy giữa đêm.
  2. Chu kỳ thức ngủ bao gồm giờ đi ngủ, giờ thức dậy trong các ngày làm việc trong tuần, ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ phép. Người bệnh thức dậy tự nhiên hay dùng đồng hồ báo thức, người bệnh có ngủ trưa hay không.
  3. Triệu chứng ban đêm kết hợp bệnh giấc ngủ, tâm thần, thần kinh, nội khoa đồng mắc bên cạnh than phiền mất ngủ. Ngáy, ngộp, ho gợi ý ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Rối loạn hành vi có thể gợi ý rối loạn cận giấc ngủ. Vặn xoắn hay đá chân có thể là biểu hiện của cử động chân chu kỳ hoặc rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Rối loạn hành vi lập đi lập lại theo cùng kiểu gợi ý động kinh khi ngủ.
  4. Hoạt động và chức năng ban ngày có liên quan hai chiều với giấc ngủ. Giấc ngủ kém ảnh hưởng hoạt động và chức năng ban ngày. Ngược lại, hoạt động ban ngày có thể ảnh hưởng thời gian và chất lượng ngủ giấc ngủ ban đêm.

C. Chẩn đoán mất ngủ

Chẩn đoán xác định mất ngủ ICSD-III đòi hỏi hội đủ ba tiêu chí:

  1. Khó ngủ kéo dài: người bệnh than phiền hoặc được người khác chứng kiến là thực sự có khó khăn khi đi vào hoặc duy trì giấc ngủ.
  2. Có cơ hội đầy đủ để ngủ: đòi hỏi mất ngủ không phải là hậu quả của thiếu ngủ. Cơ hội đầy đủ để ngủ bao gồm thời gian dành để ngủ, giường ngủ không quá nóng hay lạnh, không quá sáng hay ồn ào.
  3. Rối loạn chức năng ban ngày: rất đa dạng bao gồm buồn ngủ ban ngày, không thể ngả lưng một chút, mệt mỏi rã rời, mệt mỏi, mất năng lực, giảm tỉnh táo.v.v.

Chẩn đoán phân loại mất ngủ thành ba loại:

  1. Mất ngủ mạn tính: khi tiêu chuẩn chẩn đoán mất ngủ của ICSD-III kéo dài 3 lần mỗi tuần, và 3 tháng, đồng thời rối loạn ngủ và thức không thể được giải thích bằng các rối loạn giấc ngủ khác.
  2. Mất ngủ ngắn hạn: khi tiêu chuẩn chẩn đoán mất ngủ của ICSD-III kéo dài < 3 tháng, không có yêu cầu về tần suất mất ngủ hàng tuần, đồng thời rối loạn ngủ và thức không thể được giải thích bằng các rối loạn giấc ngủ khác.
  3. Mất ngủ phân loại khác: khi mất ngủ không thỏa mãn tiêu chuẩn của cả mất ngủ ngắn hạn và dài hạn.

Chẩn đoán nguyên nhân mất ngủ theo ICSD-II gồm 11 nguyên nhân sau:

  1. Mất ngủ do điều chỉnh: khi kèm các yếu tố gây stress (tâm lý, tâm lý xã hội, quan hệ người người, môi trường, thực thể) có thể nhận diện được kết hợp mất ngủ và thời gian mất ngủ kéo dài < 3 tháng.
  2. Mất ngủ do thần kinh tâm lý: liên quan đến phản xạ có điều kiện làm người bệnh khó ngủ khi lên giường ngủ chỗ quen thuộc, người bệnh tăng mức độ tỉnh thức khi lên giường. Tuy nhiên người bệnh lại ngủ rất dễ dàng khi lên giường ngủ ở chỗ lạ.
  3. Mất ngủ nghịch thường: khi than phiền mất ngủ đi ngược chứng cứ đa ký giấc ngủ cho thấy đã ngủ ngon. Mất ngủ nghịch thường được gọi dưới tên khác là rối loạn cảm nhận giấc ngủ.
  4. Mất ngủ vô căn: khi thời gian mất ngủ ≥ 3 tháng và không tìm ra được nguyên nhân, khởi phát âm thầm từ tuổi trẻ, không có giai đoạn giảm mất ngủ.
  5. Mất ngủ do bệnh tâm thần: khi người bệnh có bệnh nền tâm thần và triệu chứng mất ngủ nổi bật, và trở thành gánh nặng thực sự của người bệnh, cần điều trị chuyên biệt ngoài điều trị bệnh tâm thần nền tảng.
  6. Mất ngủ do vệ sinh giấc ngủ kém: khi mất ngủ kèm theo các dấu hiệu của vệ sinh giấc ngủ kém bao gồm: (1) giờ giấc đi ngủ không hợp lý: giao động lớn giữa các ngày, nằm nghỉ nhiều lần trong ngày, nằm lại trên giường sau khi thức giấc quá lâu; (2) sử dụng thường xuyên rượu, thuốc lá, cà phê, đặc biệt là trước giờ đi ngủ; (3) hoạt động trí não, vận động thể lực, suy giảm cảm xúc gần giờ đi ngủ; (4) thực hiện nhiều hoạt động khác ngoài ngủ trên giường ngủ: xem tivi, đọc, học tập, và ăn uống; (5) không có môi trường ngủ dễ chịu.
  7. Mất ngủ do hành vi ở trẻ nhỏ: gồm loại liên quan đi vào giấc ngủ và loại liên quan môi trường ngủ.

Mất ngủ liên quan đi vào giấc ngủ ở trẻ em biểu hiện bằng: (1) thời gian đi vào giấc ngủ kéo dài và đòi hỏi những điều kiện đặc biệt, (2) trẻ yêu cầu đòi hỏi cao độ khi đi vào giấc ngủ và việc đi vào giấc ngủ trở thành vấn đề thực sự, (3) nếu không cung cấp các điều kiện như mọi khi, việc đi vào giấc ngủ chậm lại, thậm chí gián đoạn, (4) đòi hỏi người chăm sóc thường xuyên can thiệp.

Mất ngủ liên quan môi trường ngủ biểu hiện bằng: (1) khó khởi đầu và duy trì giấc ngủ, (2) chần chờ hoặc từ chối lên giường hoặc quay lại giường ngủ vào các thời điểm phù hợp, (3) người chăm sóc không thiết lập các giới hạn đủ hoặc phù hợp để hình thành thói quen ngủ của trẻ.

  1. Mất ngủ do sử dụng thuốc hoặc chất gây nghiện: khi mất ngủ tạm thời kết hợp với tiếp xúc, sử dụng hoặc lạm dụng, hoặc đột ngột cai một thuốc đang bị lạm dụng, thuốc điều trị, thuốc, hoặc độc chất được xem là có khả năng gây rối loạn giấc ngủ trên các đối tượng nhạy cảm.
  2. Mất ngủ do bệnh nội khoa: mất ngủ đi kèm với bệnh nội khoa hoặc các điều kiện sinh lý được biết là gây rối loạn giấc ngủ. Chẩn đoán này chỉ đặt ra khi triệu chứng mất ngủ đi kèm bệnh nội khoa gây khó chịu thực sự cho người bệnh, đòi phải can thiệp chuyên biệt bổ sung bên cạnh điều trị bệnh nền tảng.
  3. Mất ngủ không do chất gây nghiện, hoặc các điều kiện sinh lý, không đặc hiệu.
  4. Mất ngủ sinh lý (thực thể) không đặc hiệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alon Y Avidan. Review of Sleep Medicine. Fourth edition. Philadelphia, PA: Elsevier [2018] p. 111 – 243.

TS.BS. Lê Khắc Bảo
101 views
admin
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông tin này có thể được công khai.